Thứ Ba, 19 tháng 6, 2012

Sức hút khó cưỡng của… hàng thùng


Đẹp, độc đáo là lựa chọn số 1 của dân nghiền đồ “sida”. Trần Thị Vân, chủ cửa hàng thẩm mỹ (Gia Lâm, Hà Nội) là khách hàng quen của tiệm đồ “sida” ở khu Đông Tác (Hà Nội). Mỗi khi có hàng mới về, ngay lập tức chủ cửa hàng gọi điện cho Vân sang lựa chọn món đồ mới nhất, “xịn” nhất.
Luôn tay bới đống quần áo chứa đầy sàn nhà, Vân hào hứng kể: “nhiều người hay trầm trồ mỗi khi em diện những bộ váy có gắn mác “made in HongKong”, “made in Korea”, “made in Japan”…Ai cũng tưởng em phải bỏ một đống tiền ra để mua chừng ấy đồ hàng hiệu, nhưng thật tình em chỉ mua với giá 70.000 -100.000 đồng/chiếc. Tuy nhiên, để tìm được món đồ ưng ý, mất rất nhiều thời gian để “đãi cát tìm vàng”.
Đồ “sida” thường có giá cả rẻ bất ngờ, nên khu chợ Đông Tác ngày nào cũng tấp nập khách. Nhưng không phải món đồ nào cũng được mua với giá bình dân như thế. Rất nhiều món đồ ở đây được bán với giá ngang bằng các shop hàng hiệu. Những đôi giày hiệu Gucci, hay những chiếc túi xách bóng loáng hợp thời trang được bán với giá từ một triệu đồng trở lên. Tuy giá cả không hề thua kém so với đồ mới bày bán trong các shop, nhưng theo như đánh giá của dân “nghiền” đồ “sida” thì “đồ cũ vẫn có chất lượng tốt hơn nhiều.
Cầm trên tay chiếc túi xách vừa mua với giá 1,5 triệu đồng/cái, Nguyễn Thị Phương (Đống Đa, Hà Nội) bật mí: “nếu ra đường, nhìn người nào mặc đồ hàng hiệu, mà “độc” thì nhất định là đồ “sida”. Hàng hiệu mà mới tinh thì rất đắt, làm sao đủ tiền để liền lúc mua mấy cái về mặc. Đồ cũ, nhưng chất lượng vẫn tốt, lại hợp thời trang, thế là ổn.
Khu chợ đồ điện tử, giày da…ở ngã tư Đoàn Trần Nghiệp – Mai Hắc Đế vài tháng nay cũng xuất hiện một chợ đồ cũ. Hàng hoá đa dạng từ loa, đài, pin điện thoại, đến những rổ ốc vít được bày bán la liệt.
Anh Đinh Văn Quân (Hoàng Mai, Hà Nội) có cửa hàng sữa chữa đồ điện tử, hầu như ngày nào, anh Quân cũng lên chợ đồ cũ này lựa vài món đồ về lắp cho khách. Anh cho biết: “Đồ điện tử ở chợ “giời” này rẻ lắm, mua về bán lại có lãi hơn nhiều. Ví dụ mỗi chiếc tai nghe sony tôi mua ở đây với giá 5.000 đồng/chiếc, về bán lại có thể là 20.000-30.000 đồng/chiếc. Cái quan trọng là phải biết chọn đồ như thế nào.”
Hay lui đến chợ đồ điện tử nhất có lẽ là sinh viên trường Bách Khoa. Ngày nào quầy hàng của anh Hoàng (Hải Phòng) sinh viên Bách Khoa cũng phải chen chân để chọn được món đồ ưng ý. Đa phần sinh viên ra đây săn “đồ cổ”, rồi tháo linh kiện lắp sang các máy đời mới, nếu không thì nâng cấp các tính năng rồi bán cho các cửa hàng sửa chữa điện tử. Nhiều sinh viên kháo nhau, nghề tân trang lại đồ điện tử cũ ở chợ “giời” là công việc làm thêm nhiều tiền. Bởi chỉ với 5.000-10.000 đồng một món đồ cũ, họ sẽ bán với giá gấp 3-4 lần từ những món đồ tưởng chừng chỉ “vứt đi” kia.
Mùa mua sắm cuối năm cũng là mùa khởi động của nhiều cửa hàng, ngay cả các cửa hàng đồ cũ cũng rộn ràng vào mùa. Nếu không muốn tốn nhiều tiền mà vẫn có đồ tốt để dùng, thì đồ “sida” là lựa chọn của rất nhiều người.
Công nghệ “hô biến”
Đối với các loại quần áo, giầy dép, túi xách thì hàng “sida” cũng có nhiều đẳng cấp khác nhau. Anh Phong (bán quần áo ở chợ Đông Tác) gần chục năm naycho biết: “Hàng sida từ Campuchia về có hai loại: một loại được chọn lọc rồi đóng gói ở ngay biên giới theo từng chủng loại khác nhau, loại kia được bán theo cân, chất lượng không tốt bằng loại thứ nhất. Về đến Hà Nội, các chủ hàng thường phân ra các loại hàng còn tốt, xịn được đưa vào các cửa hàng hiệu để bán với giá đắt, có chiếc vài trăm nghìn đến vài triệu đồng, còn lại mới đem ra chợ giời để tiêu thụ.”
Theo lời anh Phong, các chủ hàng thường dùng nhiều chiêu để biến đồ cũ thành đồ mới, bán được giá hơn. Cách thường gặp nhất là “cạo lông” cho những món đồ thun cũ đã bị xù xì. Sau khi được tân trang lại, khách hàng sẽ khó phát hiện ra đâu là đồ cũ, mới. Chỉ đến khi dùng một thời gian đồ mới mau xuống sắc. Nên dân nghiền đồ “sida” thường để ý từng lỗ thủng nhỏ trên áo thun, đó là dấu hiệu của những đồ đã được “cạo lông” cho mới.
Những chiếc áo trắng khi bị ố màu cũng qua công đoạn làm mới với thuốc tẩy trắng cực mạnh, những chiếc áo này sẽ nhanh chóng bị mục và xuống cấp nhanh chóng chỉ sau vài lần giặt.
Giống như hàng thời trang, chợ đồ cũ  đầy đủ các mặt hàng cũng không rõ nguồn gốc từ đâu đổ về ngày một nhiều. Đến chợ đồ cũ Đoàn Trần Nghiệp-Mai Hắc Đế, có không ít thanh niên gạ gẫm khách mua một vài món đồ vẫn còn tốt, với giá cực rẻ. Những đồ này được khách hàng rất ưa thích, vì không bị hỏng hóc mà chất lượng tốt. Chính vì thế, khu chợ giời này mới có thêm cửa hàng bán đồ ăn trộm ở Đê La Thành đến mở mang “lãnh địa”.
Khi hỏi về nguồn gốc hàng hoá, chị Hải (bán điện thoại cũ) rỉ tai tôi: “Chẳng cần kiểm chứng cũng biết đồ ở đây chủ yếu được gom góp lại từ người bán phế liệu, đồng nát. Trong số đó cũng không thiếu những mặt hàng bị bọn trộm cắp, dân nghiện chôm chỉa mang ra đây bán. Đi mua đồ cũ như thế này phải huy động mọi giác quan mới chọn được đồ tốt, nếu là đồ ăn trộm, thì nhiều cái là hàng xịn, dùng rất tốt.”
Việc kinh doanh đồ “sida” đang trở thành nghề kiếm được nhiều lợi nhuận. Hàng đổ về ngày một nhiều, nhu cầu của người dân lại lớn. Thay vì bỏ tiền ra mua một món đồ đắt tiền, họ có thể lựa chọn cho mình những món đồ rẻ tiền hơn, chất lượng nhiều khi còn tốt hơn hàng mới

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét